date
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KIỂM NGHIỆM TỈNH THANH HÓA

CHẤT LƯỢNG THUỐC VÀ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ

Đăng lúc: 21:08:48 15/08/2023 (GMT+7)

 Thuốc là mặt hàng được nhà nước quản lý đặc biệt, kinh doanh dược phẩm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bởi chất lượng thuốc có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị, sức khỏe và an toàn của người dùng. Bởi vậy công tác đảm bảo chất lượng thuốc là mục tiêu quan trọng nhằm duy trì hiệu lực dược lý của chế phẩm cũng như đảm bảo an toàn và quyền lợi của người bệnh.

    Theo nghĩa hẹp thuốc đạt chất lượng là thuốc đáp ứng tất cả các chỉ tiêu của tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Y tế); theo nghĩa rộng chất lượng thuốc ngoài sự đáp ứng với các chỉ tiêu chất lượng đã đăng ký với Bộ Y tế còn thể hiện ở hiệu lực điều trị và độ an toàn khi sử dụng. Ngày nay công nghiệp dược phát triển đã tạo ra một nguồn cung thuốc chữa bệnh phong phú, đa dạng tuy nhiên đây cũng là thách thức lớn trong công tác quản lý, kiểm tra chất lượng dược phẩm. Bên cạnh đó mạng lưới phân phối, bán lẻ phát triển rộng khắp đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với thuốc chữa bệnh được thuận lợi hơn. Tuy nhiên sự phát triển nóng của hệ thống bán lẻ cũng gây nên một số hệ lụy như: các quầy thuốc cạnh tranh lẫn nhau bằng giá dẫn đến việc tìm kiếm những nguồn hàng giá rẻ, trôi nổi... có chất lượng không đảm bảo; việc tiết kiệm chi phí dẫn đến các chế độ bảo quản thuốc không được duy trì thường xuyên dẫn đến chất lượng thuốc bị biến đổi trong quá trình bảo quản, lưu thông, phân phối.

Thuốc giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo vệ và nâng cao sức khoẻ con người. Tuy nhiên để làm được điều đó, thuốc phải đảm bảo tính an toàn, hiệu quả, với chất lượng chấp nhận được và phải được sử dụng một cách hợp lý. Việc sử dụng không hiệu quả cũng như thuốc kém chất lượng sẽ không chỉ gây tác động xấu đến sức khoẻ người bệnh mà còn làm xói mòn lòng tin của công chúng vào hệ thống y tế của một quốc gia. Vì thế, việc sản xuất, tồn trữ, phân phối và sử dụng thuốc tại mỗi quốc gia cần phải được thực hiện theo một khung pháp lý chặt chẽ.

Năm 2022, Trung tâm Kiểm nghiệm Thanh Hóa thực hiện kiểm nghiệm 1206 mẫu gồm thuốc; mỹ phẩm; thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Qua đó đã phát hiện: 04/1024 mẫu thuốc không đạt chất lượng; 04/1024 mẫu thuốc giả; 02/44 mẫu mỹ phẩm không đạt chất lượng; 02/44 mẫu mỹ phẩm giả; 07/73 mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) không phù hợp tiêu chuẩn công bố; 01/73 mẫu TPBVSK giả; 16/65 mẫu nước RO dùng cho chạy thận nhân tạo và dung dịch thẩm phân máu không đạt chất lượng.

Bên cạnh đó, một số thuốc phải kiểm soát đặc biệt chưa được quản lý đúng quy định; một số thuốc kháng sinh dùng cho người nhưng được sử dụng cho động vật dẫn đến tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gia tăng.

    Để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng thuốc, bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của người tiêu dùng, duy trì hiệu lực điều trị của thuốc trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:

    + Các cơ quan quản lý nhà nước (Sở Y tế, Quản lý thị trường ...) tăng cường công tác kiểm tra nhà nước, xử lý nghiêm vi phạm các quy định về kinh doanh dược phẩm.Tăng cường đào tạo các kiến thức về GPP, bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn, kết hợp tuyên truyền cho người bán hàng nâng cao kiến thức phân biệt thuốc được phép lưu hành và thuốc trôi nổi;

    +  Trung tâm Kiểm Nghiệm Thanh Hóa thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chất lượng tăng cường công tác hậu kiểm, sàng lọc và lấy mẫu định hướng để phát hiện kịp thời các sản phẩm thuốc không đạt chất lượng, thuốc giả, thuốc không được phép lưu hành; đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ;

    + Đối với nhân viên bán hàng cần tuân thủ đúng quy định về GPP, nhất là quy định bán thuốc theo đơn; kiểm soát chất lượng thuốc, theo dõi thông tin về thu hồi thuốc...
             +  Đối với người bệnh cần thực hiện mua thuốc ở các cửa hàng có uy tín, khi mua hàng yêu cầu hóa đơn bán hàng để chứng minh nguồn gốc thuốc; không tự ý mua thuốc điều trị nhất là các thuốc phải kê đơn.

Về phía cơ quan chức năng, cần có những giải pháp theo dõi và ngăn chặn kịp thời thuốc giả, tránh để lưu hành rộng rãi trên thị trường. Việc thông tin về thuốc giả, thu hồi các thuốc kém chất lượng cần được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Các trung tâm hoặc viện kiểm nghiệm nên tăng cường lấy mẫu kiểm tra đánh giá chất lượng thuốc, phát hiện và thu hồi kịp thời thuốc giả, thuốc kém chất lượng để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bệnh. 

                                                               

                                                                      DSCKII. Trịnh Lê Anh

                                                 PGĐ. Trung tâm Kiểm Nghiệm Thanh Hóa

Truy cập

Hôm nay:
78
Hôm qua:
151
Tuần này:
425
Tháng này:
2355
Tất cả:
159784